Bạn cần hỗ trợ?

CÔNG NGHỆ GIẢI QUYẾT VIỆC DOANH NGHIỆP SME KHÓ TIẾP CẬN NGUỒN VỐN

Dù giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế, nhưng hiện nay các doanh nghiệp SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) vẫn phải dựa vào nguồn vốn vay mượn bạn bè và gia đình của người sáng lập để vay vốn, tỷ lệ chiếm đến 48% doanh nghiệp tại Đông Nam Á. Số liệu này được ước tính theo khảo sát của nền tảng ngân hàng đám mây Mambu “Small businesses, big growth”, khảo sát 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên toàn cầu về trải nghiệm của họ khi tiếp cận tài chính thông qua ngân hàng và người cho vay.

Là “xương sống” của nền kinh tế nhưng DNNVV còn khó tiếp cận dòng vốn tín dụng

Nhiều năm qua, Chính phủ luôn xác định các các doanh nghiệp vừa và nhỏ là “động lực tăng trưởng” và “xương sống” của nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 880.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tương đương 98% tổng số doanh nghiệp.

Đáng nói, dù giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp này vẫn phải dựa vào bạn bè và gia đình của người sáng lập để vay vốn, chiếm 48% doanh nghiệp tại Đông Nam Á. Con số này được ước tính theo khảo sát “Small businesses, big growth”của nền tảng ngân hàng đám mây Mambu, khảo sát 1.000 DNNVV trên toàn cầu về trải nghiệm của họ khi tiếp cận tài chính thông qua ngân hàng và người cho vay.

Cũng theo khảo sát này, có 67% các doanh nghiệp trên toàn cầu đã không thể vay được toàn bộ hoặc một phần khoản vay, trong ít nhất một hoặc nhiều lần vay, 92% trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng thay đổi bên cho vay, và sẽ chuyển sang các tổ chức cho vay kỹ thuật số với quy trình phê duyệt đơn giản hơn.

Theo các chuyên gia, những khoảng trống trong mô hình kinh doanh của các ngân hàng truyền thống với phân khúc này là nguyên nhân khiến việc cấp tín dụng còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, khoảng trống đầu tiên nằm ở việc ngân hàng tập trung cho các khoản vay thế chấp, có tài sản bảo đảm. Trong khi đó, nhu cầu của DNNVV là vay tín chấp với giá trị nhỏ. Ngoài ra, một số nguyên nhân khiến doanh nghiệp SME khó tiếp cận vốn có thể kể đến như:

  • Ngân hàng tiếp tục định hướng thúc đẩy các quy trình và thẩm định tín dụng thương mại truyền thống, vốn phù hợp hơn với DN lớn mà không điều chỉnh cho phù hợp đối với DNNVV; 
  • Hầu hết các ngân hàng vẫn chưa có quy trình số liền mạch giữa trực tuyến và trực tiếp để tiếp nhận và phục vụ đối tượng khách hàng DNNVV;
  • Chi phí vận hành và rủi ro tín dụng của nhóm khách hàng DNNVV còn rất cao.

Khảo sát cũng chỉ ra khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, một nhóm các DNNVV ( tỷ lệ từ 25%-30%) thường gặp các rào cản như doanh nghiệp không đảm bảo đủ lượng vốn ban đầu, và gặp vấn đề về dòng tiền; còn lại các rào cản khác như thủ tục cho vay quá rườm rà, tốc độ phê duyệt khoản vay chậm, quy trình phê duyệt khá gian truân rắc rối, đi kèm với tiêu chí cho vay khá cứng rắn.

Trong khi đó, một khảo sát toàn cầu của Mamboo và EY cũng chỉ ra rằng, đối với DNNVV các ngân hàng vẫn là định chế tài chính được tin cậy nhất (điểm tin cậy là 72%) so với các Big Tech điểm tin cậy là 62% và Fintech là 64%. Nhưng ngân hàng không đủ khả năng để mãi giữ lợi thế này, khi hơn 34% DNNVV sẵn sàng thay đổi bên cung cấp tín dụng, cho thấy sự không hài lòng của DN với dịch vụ của ngân hàng hiện tại.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho biết, bên cạnh hạn chế của ngân hàng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tồn tại nhiều điểm yếu. Thiếu tài sản thế chấp vay tín dụng, hiệu quả kinh doanh chưa cao, báo cáo tài chính không chuẩn chỉ… là những yếu tố nội tại khiến hầu hết các DN khó tiếp cận vốn từ ngân hàng.

“Chủ yếu do thông tin của DNNVV còn thiếu nên các tổ chức cung ứng vốn chưa nắm rõ được thông tin để cấp tín dụng. Đó chính là lý do vì sao các ngân hàng thường từ chối cung ứng vốn cho DNNVV. Các ngân hàng không muốn cho DNNVV vay, vì sợ rủi ro nợ xấu khi không có nhiều thông tin để nắm rõ về hoạt động của các đối tượng này. Vì vậy, cái khó đối với việc mở rộng tín dụng phân khúc này là phải có giải pháp, sự sáng tạo trong quá trình tiếp cận DNNVV”, ông Doanh nhận định.

Còn theo ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc nền tảng ngân hàng đám mây Mambu Việt Nam, quả thật, việc nên cấp tín dụng hay không là một bài toán khó do thông tin của các doanh nghiệp SME rất “mù mờ”, không thể đánh giá sức khỏe doanh nghiệp để xác định rủi ro. “Khả năng tiếp cận nguồn vốn thông qua hoạt động tín dụng ngân hàng cũng vẫn gặp khó do chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Các doanh nghiệp SME cần một hình thức cho vay mới để lấp đầy được khoảng trống tín dụng này”, ông Minh cho biết thêm.

Giải pháp cho ngân hàng và các doanh nghiệp

“Hình thức cho vay mới” như ông Minh chia sẻ ở trên chính là các giải pháp cho vay dựa trên công nghệ hiện đại. Theo Nasdaq, khai thác được công nghệ mới nổi cùng với tệp khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang lại cơ hội trị giá 66 nghìn tỷ USD. Công nghệ sẽ dẫn đường cho tương lai mới này, và đảm bảo thuận lợi cho cả ngân hàng và các doanh nghiệp.

Cũng theo nghiên cứu The digital battle in SME lending của công ty tư vấn Oliver Wyman, một nền tảng ứng dụng trực tuyến nhanh chóng là tính năng mong muốn nhất của quy trình tín dụng đối với các DNNVV ở phần lớn các quốc gia được khảo sát.

Theo đó, công nghệ mới nổi sẽ khắc phục được cả hạn chế của ngân hàng cũng như từ các yếu tố mang tính nội tại của doanh nghiệp như đã nói ở trên, mở ra những cánh cửa mới cho những hiểu biết sâu sắc hơn về các dữ liệu mục tiêu. Ngân hàng có thể sử dụng phân tích để xác định cơ hội và điều chỉnh các dịch vụ khi cần thiết.

Ông Minh cho chia sẻ thêm: “Khả năng tiếp cận dữ liệu là chìa khóa để phê duyệt nhiều khoản vay hơn với ít rủi ro hơn và công nghệ hiện đại đang giúp nhiều ngân hàng có thể tham gia vào thị trường đang phát triển và sôi động này. Hiện nền tảng ngân hàng đám mây Mambu đang kết hợp với các fintech khác tạo ra dữ liệu, hay nói cách khác là tạo ra môi trường số cho DNNVV giao dịch. Trên cơ sở dữ liệu này giúp các ngân hàng đưa ra sản phẩm mang tính doanh nghiệp hóa để phù hợp với quy mô và nhu cầu tăng trưởng của từng doanh nghiệp. Điều đáng nói, tất cả sẽ được thực hiện trên môi trường số rất nhanh, sáng tạo, chi phí rẻ hơn thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API)”.

Ngân hàng đóng vai trò then chốt trong nỗ lực tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bằng cách cung cấp các sản phẩm cho vay giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió. Nhưng chiều ngược lại, các doanh nghiệp đang có “quyền” lựa chọn thay thế bên cấp tín dụng cho mình trước sự nổi lên của các bên cho vay kỹ thuật số. Tận dụng tốt hơn công nghệ và thiết kế lại trải nghiệm cho vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ giúp ngân hàng giành được cơ hội, và thị trường tín dụng cho khối doanh nghiệp này.